Thành Phố Không Mặt Người
Phan_13
Thuỳ thích đi lễ nhà thờ vào những ngày chủ nhật cũng chỉ là để giải thoát mình ra khỏi những tháng ngày buồn bã cô đơn. Nhà thờ nằm sát bên bờ biển, lọt thỏm trong rừng phi lao xanh hun hút.. và cát. Ở đó có cát. Cát mềm mịn và ẩm ướt in dấu bàn chân bé nhỏ nhưng vững chãi của Thuỳ. Mặt cát đánh dấu bàn chân cô đơn bằng những bước nhỏ, chân trái nối tiếp chân phải thành một đường zíc zắc. Và giờ đây, Thuỳ nằm im bất động, mở mắt nhìn vào bóng tối. Trời đã khuya lắm rồi. Không biết được thời gian. Chỉ thấy xung quanh mình là bóng tối mờ mờ xanh thẫm và một người đàn ông ngồi bên cạnh bất động. Hình như anh ta đang ngủ. Đôi vai to rộng tựa vào tảng đá trắng muốt. Quần áo ướt sũng dính hết vào nhau. Bên cạnh hai người, đống củi đã bắt đầu rã lửa. Thuỳ vơ vội nắm lá dương khô ném vào đống lửa. Gió thổi bùng lên soi rõ khuôn mặt người đàn ông lạ. Một cảm giác ấm lòng đến nghẹt thở. Bàn tay Thuỳ vuốt nhẹ mái tóc người đó rồi chợt giật mình. Người đàn ông mở mắt, mỉm cười thật hiền rồi im lặng. Tất cả thanh âm lúc này chỉ là gió, gió rít trên những ngọn phi lao, gió chạy băng băng trên những con sóng bạc đầu ầm ào phía biển. Không ai nói chuyện với ai. Im lặng kéo dài cho đến khi tiếng gà gáy sáng văng vẳng cất lên giữa màn sương dày đặc. Người đàn ông khẽ cựa mình áp sát đầu Thuỳ lên ngực anh. Thuỳ xích lại gần anh thêm nữa cho đến khi môi anh chạm khẽ vào môi cô rồi dừng lại ở đó. Đêm cũng dừng lại. Gió cũng dừng lại. Ánh sáng ban mai toả rực rỡ khắp mặt biển. Từng ôm sóng đỏ sáng lên phía mặt trời mọc. Hai người ngôi bên nhau một lúc rồi chia tay nhau. Thuỳ nắm chặt tay anh, mắt nhắm nghiền. Người đàn ông dùng dằng đặt nụ hôn cuối cùng lên trán cô rồi đứng dậy bước đi. Cả hai đi về hai hướng, không ai quay lại nhìn ai. Chỉ biết rằng khi mình quay đầu trở lại thì tất cả những kỉ niệm hồi đêm sẽ không còn nữa. Thuỳ không biết tên, chỉ mang máng nhớ khuôn mặt hiền hiền. Ấy thế mà nó theo Thuỳ đến mãi lúc này, sau những năm tháng không hề gặp lại nhau lần nữa.
*
Thuỳ đã không thể yêu ai từ ngày đó. Hàng ngày vẫn đi trên phố. Chiếc xe rác vẫn cứ làm ca đêm. Hết đông sang hè, dãy phố buồn vẫn hai dãy đèn đường, một bóng tắt một bóng đỏ. Thi thoảng cứ ngỡ ngàng, hình như có ai đó nhìn dõi theo mình mà lòng thì vô vọng. Thuỳ đánh bạn với chị Nhạn, xem như hai chị em đồng trang cùng lứa với nhau. Chị Nhạn thực ra cũng gần bằng tuổi mẹ Thuỳ rồi nhưng vẫn vô tư, hồn nhiên như thế. Chị có những nỗi niềm riêng của mình. Chịu đựng những đắng cay mất mát đến thành thói quen để rồi không có nỗi đau nào làm chị khóc được nữa. Chị từng kể cho Thuỳ nghe về người đàn ông của đời chị. Anh đi lính, chị đi thanh niên xung phong. Hai người bặt tin nhau cho đến khi nhận được tin từ nhau thì người này ngỡ người kia đã chết. Anh về quê lấy vợ. Nghèo. Hèn. Chị bỏ nhà ra đi. Anh bỏ quê lang thang kiếm sống…rồi gặp chị. Hai người đành lỗi hẹn. Chị không muốn vì mình mà anh khổ. Cứ dùng dằng mãi. Câu chuyện của chị vẫn chưa hồi kết thúc. Nhiều đêm nằm bên cạnh chị, Thuỳ cứ thắc mắc hoài. Có lần nhìn ánh trăng, Thuỳ nói với chị mà như nói một mình:
Tại sao ấy chị Nhạn à. Em nghĩ mẹ mình chưa chết. Mày làm sao thế- chị Nhạn quay lưng lại ôm vai Thuỳ. Bố em đã đi tìm mẹ suốt dọc hai bờ sông cũng không tìm thấy xác. Nếu sống sao bà ấy không về. Em cũng không biết nữa. Không biết thì mày ngủ đi. Băn khoăn hoài thế ệt cả người.
Chị nói rồi quay lưng nằm ngủ. Tiếng thở của chị đều đều. Thuỳ nằm một lúc rồi cũng ngủ lúc nào không biết. Thuỳ cũng không thể biết rằng, suốt cả một đêm dài chị Nhạn đã không hề chợp mắt.
*
Đêm đang lạnh dần. Trăng nhễ nhại chảy tràn cả con ngõ nhỏ có hai hàng chè mận hảo. Bóng đêm chếnh choáng say trăng. Thi thoảng từng đám mây giỡn gió bị thồi vào giữa quầng trăng làm che mất đi một khoảng ánh sáng xanh xanh dịu nhẹ. Thuỳ vào giường nằm, mắt không hề chớp nhìn vào bóng sáng ngoài hiên. Lá đang lay lay thành những bóng đen di động. Bên giường kia có tiếng trở mình, húng hắng ho. Thuỳ cố nhín thở nằm im vờ ngủ để bố khỏi giật mình. Câu chuyện chưa kịp nói ra giờ Thuỳ không muốn kể. Dù gì thì ngày mai mình cũng nói với bố. Bố ngồi dậy một lúc rồi nhìn sang giường Thuỳ. Thuỳ nhắm mắt. Ông vuốt nhẹ mái tóc Thuỳ một lúc rồi đi ra ngoài. Con ngõ sáng ánh trăng thành một vệt dài trắng cong queo hình con rắn trắng. Thuỳ rón rén đi theo ông đến tận quán chị Nhạn. Thẫn thờ. Sau tấm liếp, đứa trẻ oe oe khóc. Người đàn bà nhẹ nhàng:
Cảm ơn anh. Ơn gì- bố nói- đứa bé đó bị bỏ rơi trên sông hồi qua. Anh nghĩ em cần nuôi một đứa trẻ nên mang về đặt chỗ con bé Thuỳ hay đi xe rác. Con bé sẽ mang vào cho em. Sao lại có người bỏ con thế nhỉ- tiếng chị Nhạn- thất đức thật. ừ- tiếng bố- có nhiều người như thế, chắc là do hoàn cảnh.
Rồi im lặng kéo dài.
Anh thấy đỡ không- tiếng chị Nhạn lại cất lên- vết thương cũ cứ trở trời là tái phát đấy. Cẩn thận, đừng ở thuyền nữa. Về ở với cái Thuỳ đi. Nó lớn rồi. Anh không thể. Mẹ nó bỏ đi khỏi cái xứ này cũng vì nó. Con bé càng lớn càng giống cha Phạm, anh không muốn đến một ngày nào đó nó biết được sự thật là anh không phải là bố nó.
Thuỳ đứng trân. Được một lúc thì ù té chạy. Cô chạy mãi, con phố chợt rộng và dài hơn ngày bình thường gấp mấy lần. Tất cả xung quanh đều trở nên lạ lẫm và khác trước. Thuỳ chạy đến khúc quanh, chỗ gốc xoan đâu già vẫn thơm hoa vào mỗi tối khi cô đi làm rồi sững lại. Bàn chân tê dại như sắp ngã. Cô tựa lưng vào tường, nghe tiếng chuông nhà thờ thoảng qua. Tiếng chuông đánh liên hồi, rồi từng người từng người đổ xô về hướng ấy. Không kịp nghĩ mình đang làm gì đang ở đâu, Thuỳ chạy theo họ.
Thánh đường rộng mênh mông chan hoà ánh trăng bảng lảng. Thuỳ thấy trăng đêm nay có gì đó là lạ, cứ trắng đùng đục, ướt sền sệt như bàn tay có thể chạm vào được. Thuỳ đứng bên dưới tháp chuông rụt rè đưa bàn tay ra và ngửa mặt lên trời. Tháp chuông như một lưỡi giáo nhọn đâm thẳng lên bầu trời cao rộng. Thuỳ có một cảm giác lạnh buốt chạy từ mặt xuống cổ rồi xuống ngực như hẳn ngọn giáo kia đã chọc thủng bầu trời trĩu nặng chứa đầy nước đổ tràn lên người cô. Rồi Thuỳ thấy một người vừa thoáng chạy qua. Là người đàn ông ấy. Vội vã. Người đàn ông không kịp nhận ra Thuỳ. Thuỳ chạy theo, bàn chân không nhấc lên nổi. Cô gọi to, tiếng gió u u vọng lại. Bóng người khuất sau thánh đường mênh mang gió.
Cô chạy một mạch về đến nhà, con phố rộng đầy trăng xanh nhợt nhạt. Không hiểu sao bây giờ Thuỳ ghét nó, căm thù nó kinh khủng. Thuỳ ước sao cho ông trăng kia có sức nóng bằng ánh mặt trời để cho con phố tràn ngập ánh sáng. Một thứ ánh sáng chói loà che đi mội ngóc ngách của sự tối tăm. Ánh sáng soi rõ chỉ lối cho cuộc đời Thuỳ rồi đây sẽ đi về hướng nào giữa cuộc đời thông thống gió. Hoặc nó hãy tắt đi, để đêm tối thui như mực. Lúc ấy, Thuỳ cũng sẽ nhắm mắt lại, đặt chân bước trên đường bằng những linh cảm. Bây giờ đây, Thuỳ cảm thấy cô đơn cực độ. Không biết chọn lối nào để đi. Con đường bây giờ không đủ ánh sáng, trái tim bây giờ không đủ tự tin. Tất cả chỉ là sự sợ hãi, một nỗi sợ chiếm lấy cơ thể Thuỳ, bóp chặt trái tim Thuỳ bằng vuốt cấu của sự thật trần trụi.
Mồ hôi Thuỳ vã ra như tắm. Cô khát. Trăng cũng khát. Ánh trăng đột nhiên đỏ bầm lại đáng sợ. Cô vục nước khoả lên mặt. Mặt nóng bừng. Cô xối hết nước lên người rồi nằm ngây ra giữa nền giếng vắng lặng. Cô có cảm giác mình đang tan thành nước. Nước chảy ra bờ sông, rồi từ ngã ba sông ấy đổ ra biển. Ở đó nước duyền lênh nâng cô lên rồi đặt cô xuống chỗ đúng hôm cô gặp người đàn ông lạ đó. Người đàn ông có khuôn mặt giống Chúa. Rất trẻ. Lại nghe văng vẳng tiếng người nói cười, hình như mọi người đang chúc mừng vị cha xứ mới, người mới về để thay cho cha xứ Phạm vừa tạ thế hồi đêm.
Hội VHNT Hà Tĩnh
22. Thằng Hắc Quẩy
Truyện ngắn của Nguyễn Tiến Bình
Tới giờ cũng chẳng ai biết nó tên gì, trong xóm ai cũng gọi nó là thằng Hắc Quẩy. Hắc là đen, quẩy hình như là quỷ. Thằng quỷ, không biết có phải vậy không. Nếu đúng, cái tên có vẻ hợp với con người của nó. Đen thui và phá như… quỷ. Nhà tôi ở đầu hẻm, còn đi sâu vô trong, đến tận cùng, con hẻm teo lại chỉ đủ một người lách qua là tới nhà nó. Lúc mới biết nó từ nhỏ cho đến lớn, không khi nào thấy nó mặc áo, chỉ độc cái quần đùi dơ như nùi giẻ lau xe, mình mẩy mốc thếch. Nhà tám anh chị em, ba nó còng lưng đạp xích lô, mà lại có vợ nhỏ, nghe đâu là mối quen ở tuốt Hóc môn lên bán rau. Mẹ nó buổi sáng chăn dắt lũ con, buổi chiều dắt hai đứa lớn ra chợ nhỏ phụ dọn hàng, dẹp sạp kiếm bữa rau, bữa cháo. Đêm hôm đó, mẹ nó ngủ rồi đi luôn. Sáng ra, chị nó kêu hoài không dậy, đến khi cầm chân định lay, thấy đã lạnh ngắt. Chắc bà đuối sức, chịu hết nổi chuyện chồng con. Đám tang xong, ba nó lấy chiếc xích lô đi luôn không thấy quay lại. Chị nó nói: “Ổng theo vợ nhỏ”. Từ đó, chị nó thay mẹ lo cho hai đứa nhỏ nhất. Tốp năm đứa khúc giữa, trong đó có nó bắt đầu tự bò ra khỏi “hang” để kiếm ăn. Ban đầu nó chỉ loanh quanh cái chợ nhỏ, hết đẩy xe, khiêng vác, lượm mót… tất cả mọi thứ, miễn là có thể nhai và nuốt được. Lần hồi, thằng Hắc Quẩy phát hiện thiên hạ đối xử với nó khốn nạn quá, la, chửi, đánh đập, trả công như bố thí. Đời “dạy” nó cách tồn tại, nó không thèm làm công cho ai nữa, bắt đầu chôm chỉa, móc túi, đá cá, lăn dưa, mặc ấy đứa em lo sợ. Chỉ thời gian ngắn, tay nghề “hai ngón” của thằng Hắc Quẩy “nổi tiếng khắp chợ. Vừa thấy bóng nó, cả chợ như sôi lên, tiếng kêu í ới , tiếng kéo đồ, tiếng chửi, tiếng xua đuổi ầm ỉ. Nó lảng mất, lúc ẩn, lúc hiện. Cuối cùng cũng có người kêu mất đồ. Cả chợ phải hùn tiền thuê một ông già tay đeo băng đỏ làm bảo vệ chỉ với một chuyện là canh chừng nó. Ông già làm việc nhiệt tình quá, hết kiếm ăn được ở chợ, nó bắt đầu chuyển địa bàn và phương thức hoạt động. Suốt ngày nó lang thang hết ngõ này đến hẻm nọ, ai hở ra cái gì nó “quất” liền, kể cả quần áo đang phơi trên balcon, đôi giày để trước cửa…Có lần nó bế bổng một bé gái mới vài tuổi đang tha thẩn chơi một mình trước nhà chỉ để rút đôi dép. Không phải lần nào cũng trót lọt, đi đêm có ngày gặp ma, đôi khi cũng bị bắt quả tang, người ta đập ột trận thừa sống thiếu chết rồi thả ra, không ai giao cho công an, nó chưa tới tuổi vị thành niên.
***
Thằng Hắc Quẩy bằng tuổi tôi, tuổi con cọp. Nó là cọp rừng, cọp đường phố. Tôi là cọp nhà, cọp giấy. Cũng như mọi đứa con nít trên thế gian, thằng Hắc Quẩy cũng ham chơi sau những giờ đi… chôm chỉa căng thẳng. Thấy đám con nít chúng tôi hay tụ tập ở khoảng sân trống cuối hẽm bày trò chơi, nó cũng xáp lại. Nhưng vừa thấy nó là cả đám tản ra chạy về nhà hoặc chạy ra xa đứng nhìn nó. Lúc đầu nó ngẩn ngơ một chút, rồi như chợt hiểu, lủi thủi bỏ đi. Không cho nó chơi, nó phá. Có khi nó chạy ào tới nhảy xổ vào, đánh đứa này, thoi đứa nọ, níu tóc đứa kia làm chúng tôi chạy tán loạn. Có một trưa hè, tôi trốn ngủ tha thẩn ra sân hẻm, đám bạn chưa đứa nào đến, thằng Hắc Quẩy bỗng xuất hiện. Tôi giật mình quay lại thủ thế, nhưng tôi thấy vẻ mặt nó không có gì là ác ý, thân thiện nữa là khác. Nó bước đến xòe bàn tay ra, có hai cục bi cũ trong tay. Nó rủ: “Chơi không, tao với mày chơi bắn bi”. Không hiểu sao tôi gật đầu. Chắc tôi đồng tuổi, với lại tướng tá tôi còn bự hơn nên ít có cảm giác sợ hãi, vì vậy nó mới có dịp rủ tôi chơi chung. Mấy đứa khác thấy nó là chạy mất dép. Bắn bi với nó được vài ba lần bỗng dưng tôi nổi tiếng: dám chơi với thằng Hắc Quẩy chôm chỉa. Ba tôi quất đủ mười roi bằng cây chổi lông gà vào mông, cấm tiệt không cho ra sân hẻm chơi. Mấy hôm sau, con nhỏ em gái về khều tôi nói nhỏ: “Hồi trưa thằng Hắc Quẩy tới sân hẻm, nó kiếm anh”. Hết hè tôi vô trường cấp ba, thằng Hắc Quẩy nghe đâu vô trường giáo dưỡng. Kể từ đó tôi không còn gặp nó nữa. Cho đến khi tôi đang học lớp mười hai, chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông, anh cảnh sát khu vực đi ngang nhà kể với mẹ tôi: “Anh em nhà thằng Hắc Quẩy không cha, không mẹ mà vẫn lớn, mạnh khỏe không sẩy đứa nào. Trời nuôi tụi nó, có điều trời không dạy nổi thằng Hắc Quẩy thím ơi!. Lúc này nó “làm ăn lớn”, trộm cắp chuyên nghiệp rồi, vô tù ra khám như cơm bữa.”. Còn tôi, đậu tốt nghiệp phổ thông, tôi thi đại học và trúng tuyển… nghĩa vụ quân sự.
****
Năm năm sau tôi xuất ngũ. Không nghề, không vốn, thất nghiệp hơn nửa năm. Hôm nọ anh Tư ở cùng xóm, giờ làm phó chủ tịch phường qua nhà nói với mẹ tôi cho tôi vô phường làm. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là cùng với một cán bộ dẫn hơn ba mươi đối tượng vừa mãn hạn tù đang chịu sự quản lý của địa phương đi lao động. Thật ra đây là công trình do phường nhận để giải quyết công ăn việc làm tạm thời cho những người vừa ra tù. Sáng đó, nhỏ em gái - mới thành cô giáo dạy tiểu học - chuẩn bị cho tôi một lon cơm nhét cái trứng kho, nó nói: “Anh Hai lấy cái xe đạp em đi làm. Tuần này em ở nhà. Mai mốt anh đi làm kiếm tiền ráp thêm một chiếc”. Giá trị cái xe đạp thời đó lớn lắm. Nếu tính lương giáo viên tiểu học phải ba bốn tháng nhịn ăn mới sắm được một chiếc. Đạp xe lên phường, tôi thấy đã có nhiều người, người đi bộ, người đi xe đứng ngồi lố nhố. Tôi nhận ra ngay thằng Hắc Quẩy đang đứng dựa góc tường nhả khói thuốc, mặt mày nó không khác gì hồi nhỏ, chỉ thêm cái quần dài ka ki cũ, cái áo jean bạc chỉ cài hai nút phía dưới. Nó cũng nhận ra tôi, bước đến cười cười hỏi liền, không cần chào:
- Nghe nói ông mới đi lính về?
- Ừ! Sao biết?
Nó không trả lời vô thắc mắc của tôi:
- Còn tôi mới ở tù về!
- Khỏi khoe, thấy ông có mặt ở đây tôi biết rồi.
Chỉ bao nhiêu đó, tôi với nó không nói thêm tiếng nào. Tôi chở nó lên chỗ lao động. Nó khỏe như con trâu, sức làm bằng ba bốn người. Có người khen, nó nói nhờ ở tù lâu, lao động quen rồi. Giờ nghỉ trưa, tôi giở lon cơm mời, nó lắc đầu:
- Có nhiêu đó, ông ăn còn không đủ. Ông cho tôi mượn cái xe đạp đến chỗ nhỏ em thăm nó một lát, từ lúc ra tù chưa gặp, nghe nói nó mới sinh con.
- Đi đi, mà nhớ về đúng giờ làm – Tôi đồng ý không chút ngần ngại – Mà em gái ông bao nhiêu tuổi mà sinh em bé.
- Mười chín
Nó vừa thót lên yên đạp đi, lập tức mấy người làm chung đang nghỉ cách đó mấy cái hố móng ập đến bên tôi :
- Trời! sao ông cho thằng Hắc Quẩy mượn xe đạp. Bộ ông không biết nó hả. Nó là thằng Hắc Quẩy, thằng Hắc Quẩy, ông biết chưa.
Tôi sững người, giật mình quăng lon cơm chạy nhanh ra đường đuổi theo, nhưng không còn kịp nữa, bóng thằng Hắc Quẩy khuất hẳn sau làn xe cộ đông đúc. Tôi quay vô, ngồi phịch xuống đất, tưởng tượng hình ảnh khuôn mặt mếu máo của nhỏ em gái khi biết tin chiếc xe đạp thân yêu bay theo thằng Hắc Quẩy, thật tình tôi chịu không nổi. Suốt buổi chiều, tôi vừa làm vừa ngóng, đi ra đi vô, nó vẫn chưa quay lại. Hết giờ làm, tôi nán lại chờ trước những ánh mắt thông cảm cùng những lời an ủi:
- Lên xe, tôi chở ông về, kể như tiêu rồi. Về ráng kiếm chiếc khác. Cái xe vô tay nó như mỡ gặp miệng mèo. Nó không quay trở lại đâu.
Tôi từ chối, không về, nói thẳng ra là không dám về. Với nhỏ em gái, cái xe đạp là cả gia tài của nó lúc đó, hình như nó còn vay tiền để ráp chiếc xe. Có thể nó không dám trách móc tôi nhiều, nhưng… tôi vẫn chưa dám bước về nhà. Thành phố bắt đầu lên đèn, tôi uể oải đứng lên, phủi bụi, lết từng bước nặng nề, tự trách sao lại ngớ ngẩn như vậy. Bỗng một chiếc xe đạp thắng gấp trước mặt tôi, khuôn mặt thằng Hắc Quẩy như từ dưới đất chui lên, nhe răng cười toe tóet. Tôi chộp ngay cổ nó, định dộng vô mặt nó một dộng nhưng kịp dằn lại. Tôi xô nó xuống xe, giằng lấy chiếc xe, đạp thẳng về nhà bỏ mặc nó đang lồm cồm bò dậy. Về đến nhà tôi dắt chiếc xe ra tuốt sau nhà, vòng sợi xích bóp chặt ổ khóa. Nhỏ em gái ngạc nhiên không hiểu chuyện gì, cứ đi theo hỏi. Tôi trả lời:
- Không có chuyện gì hết. Trả em chiếc xe, mai anh đi bộ được rồi, ở chỗ làm, xe để không ai coi, dễ mất lắm.
Một giờ sau có tiếng gõ cửa. Thằng Hắc Quẩy đứng lù lù trước nhà, tôi kéo nhanh nó ra quán cà phê, sợ nhỏ em thấy:
- Cái gì đây, định mượn xe nữa hả. Bán không được mới đem về trả phải không?
Nó cười khùng khục:
- Cái xe tốt lắm, bộ đồ lòng (xích, líp, đùm) toàn đồ ngoại, chạy nhẹ re. Vô tay tôi, cái quần cũ còn bán được huống chi cái xe của ông.
Giọng nó bỗng chùng xuống :
- Nói thiệt, lúc đầu tôi nghỉ ông không bao giờ dám ột thằng trộm cắp như tôi mượn xe, không ngờ ông lại để tôi lấy xe dễ dàng như vậy. Mới ra tù, tôi “vả” lắm, định “thẩy” nó rồi, nhưng… tôi không làm được. Tôi thiếu đủ thứ, thiếu mẹ, thiếu cha, không bạn bè, chẳng ai dám chơi. Hồi nhỏ chỉ có ông dám chơi với tôi. Tôi về nhà, chị tôi còn đem đồ đạc đi giấu, vậy mà ông cho tôi mượn xe tỉnh bơ. Như vậy ít ra còn có ông có lúc coi tôi là một con người bình thường, bởi vậy tôi phải đem xe trả ông như một chuyện bình thường.
Tôi không ngờ con người như thằng Hắc Quẩy mà nghỉ được điều này. Nó biết đâu tôi cho nó mượn xe chỉ là một phút mất cảnh giác, quên phắt nó là một tên trộm cắp, chưa bao giờ tôi coi nó là một người lương thiện bình thường. Tôi im lặng, cố giấu suy nghĩ của mình. Phải chăng chỉ cần xem nó là người lương thiện, nó sẽ trở nên lương thiện. Ảo tưởng. Nhưng trong trường hợp này là thật. Cuối cùng tôi vỗ vai nó
- Dù sao, tôi cũng cám ơn ông đã không bán xe của nhỏ em. Chắc chắn ngày mai nếu tôi lấy xe tiếp tục chở ông đi làm, mọi người sẽ nhìn ông một cách rất khác thường. Ông không còn là một thằng Hắc Quẩy bình thường nữa. Ông ráng làm một thằng Hắc Quẩy khác thường đi.
23. Mắc nợ thòng đong
Truyện ngắn của Trần Hồng Giang
Chiều. Mưa xối xả từng cơn, gió lồng lộn giẫy lên như một kẻ khùng trong cơn điên loạn. Mưa đổ ràn rạt lên mái tôn tạo nên những âm thanh chói lói rồi hắt vào trong căn phòng trọ chừng 8 mét vuông từng vụm nước.
Trên mép giường nơi góc căn phòng, hắn ngồi bó gối, mắt gườm gườm nhìn ra phía cánh cửa đang rung lên từng nhịp theo gió. Một lát, hắn lại chống tay duỗi người rồi bỏ thõng một chân xuống dưới sàn nhà ướt lép nhép. Hắn buông một tiếng thở dài, tiếng thở dài nghe rất sâu tưởng như rút hết không khí từ lồng ngực của hắn.
Có tiếng động lịch kịch rồi cánh cửa mở hé ra. Một mái tóc dài đẫm nước thò vào phòng, tiếp sau là một thân hình phụ nữ gầy lẵng nhẵng bó sát vào bộ quần áo sũng nước.
- Sao ngu vậy, không biết đợi cho ngớt mưa rồi hãy về à? – Hắn quạu cọ.
- Đợi ngớt mưa thì đến sáng mai à! – Ả đàn bà vừa lột bộ quần áo sũng nước vừa lầm bầm.
Ả nói dứt câu thì bộ quần áo ướt cũng được vo tròn lại và ném toẹt vào góc nhà. Trên đường bay của cú ném, những sợi dây loằng ngoằng của chiếc áo ngực bung ra mắc toòng teng vào tay lái chiếc xe đạp cũ dựng ở sát vách trông rất nghịch mắt.
Hắn nhổm người một chút, thủng thẳng co chân ngồi khoanh lại trên giường rồi hất hàm về phía ả đàn bà khi đó đang trần như nhộng:
- Thế nào, có kiếm được cái gì không?
- Mưa gió thế này, đứa nào nó ngu gì mà thò mặt ra đường ình thịt nó! - Ả nói thế nhưng rồi bỗng lại bật cười hi hí rất khoái trá. – Nhưng mà có cái này!
Ả bước vội về phía góc nhà, nơi bộ quần áo ướt đang nằm tơ hơ. Ả bới bới vài cái rồi nhặt lên cái quần sịp, lộn ngược và móc từ trong đó ra một tấm thẻ từa tựa như cái chứng minh nhân dân. Hắn nhướng mắt, đưa tay ra giật vội lấy:
- Gì đây?
- Xem đi rồi biết!
Hắn lật qua lật lại, đọc rành rọt: “Thẻ hội viên Hội nhà văn…”. Hắn chun cái mũi lại khịt khịt vài cái rồi quăng toẹt cái thẻ xuống mặt chiếu:
- Cái của khỉ này thì làm được cái đếch gì!
- Hứ, sao bảo thông minh lắm mà hôm nay lại đần thối ra thế!
Ả đàn bà khi đó đã mặc xong bộ quần áo khô được lấy ra từ cái thùng nhựa đặt ở gầm giường. Ả bước tới, ngồi lên mép giường, đặt tay lên vai hắn, hạ giọng ra vẻ quan trọng:
- Tôi đội mưa mò theo lão này về tận nhà rồi. Nhà lão to vật vã, giàu tú hụ ra.
- Giàu thì làm gì! Nó ình à? Càng cái loại nhà giàu thì nó càng cú đỉn.
- Hôm nay ốm rồi hay sao mà đầu óc chậm hiểu thế? - Ả đàn bà đưa tay giúi đầu hắn xuống. – Cái này ngày mai mang đến nhà rồi bắt lão ấy chuộc mà chả được vài trăm à!
Cái mặt hắn chợt tươi lên hơn hớn, tiếng cười phát ra từ cổ họng nghe lục khục rất quái dị:
- Đúng rồi, cái bọn nhà văn là hay sĩ rởm lắm, mất cái bùa này thì lấy cái chó gì mà đem ra khoe với thiên hạ; với lại bọn ấy cũng chả muốn cho ai biết là mình bị mất thẻ đâu, có mà muối mặt à! Ừ hứm, rồi sẽ ra vấn đề đây!...
Hắn cẩn thận nhét tấm thẻ vào túi quần rồi cài khuy lại. Bên ngoài, trời vẫn mưa xối xả nhưng gió đã dịu đi, không còn lồng lộn lên như lúc trước. Ả đàn bà ngồi xổm dưới sàn nhà, xoay lưng lại phía hắn, trước mặt là một cái bếp than cháy nghi ngút.
Chưa đến 7 giờ sáng, hắn cùng ả đàn bà đã có mặt trước cánh cổng sắt sơn màu huyết dụ của một ngôi nhà sang trọng. Ngôi nhà nằm ngay trên mặt tiền một con phố lớn nhưng cửa đóng im ỉm chứ không bày ra kinh doanh thứ gì. Hắn lẩm bẩm: “Rõ phí, phải tay ông thì có mà vơ bộn tiền!”. Ả đàn bà từ phía sau bước sát đến đưa khuỷu tay huých vào lưng hắn giục giã:
- Bấm chuông đi! Chứ còn đợi người ta ra mời vào nữa chắc!
Hắn với lên cái núm nhựa màu đỏ gắn bên cạnh cổng. Thay cho tiếng chuông là giai điệu của bản nhạc “Thư gửi Ê - ly” mà hắn đã nghe quen ở quán cà phê Minh Đạt nơi thường ngày hắn hay lai vãng. Cái đầu hắn gật gù theo tiếng nhạc, bàn chân trái xỏ trong một chiếc dép giả da cũ sờn cũng nhóng lên nhóng xuống nhịp nhịp.
- Gì mà nhấn chuông liên hồi vậy mấy người? Nhả ra cho bớt chói lỗ tai dùm đi!
Hắn giật mình rút tay về. Cánh cổng kêu lạch xạch xủng xoảng rồi được mở hé ra. Một cái đầu đàn bà tóc uốn lù xù được gá trên một thân hình béo ục ịch nặng nề ló ra sau cánh cổng. Chả hiểu sao khi ấy hắn lại cuống lên nói ríu cả lưỡi:
- Tôi... tôi…bọn tôi…muốn gặp ông…Duy Hòa.
- Duy Hòa nào ở đây mà tìm?
- Ông nhà văn…ở nhà này…
- Văn vẻ gì ở nhà này! Mấy người có bình thường không vậy? – Bộ tóc uốn xù lui vào sau cánh cổng.
- Chờ tý đã bà chị! – Hắn loay hoay cởi khuy túi quần móc ra chiếc thẻ rồi gí vào trong cánh cổng. – Là ông này đấy!
- Lão này hả? Chiều qua tới đây xin tiền rồi về luôn mà! – Giọng nói đổi tông, kéo dài ra chua lè: - Nhà văn nhà thơ gì cái hạng ấy, có mà trấn lột thì có! Tìm cách moi bằng được tiền trong túi người ta ra thì mới chịu để yên!
Cánh cổng sắt đóng sầm lại ngay sát mặt hắn. Hắn quay người trở bước, nhìn ả đàn bà đang đứng ngây ngúa ra ở đó, hắn thấy cáu tiết liền cầm ngay cái thẻ ném tẹt vào mặt ả rồi cun cút bước vội đi tựa như bị ma đuổi. Ả đàn bà tẽn tò đứng cúi mặt rồi cũng rảo bước theo hắn. Đi được dăm bước thì ả ngần ngừ dừng lại. Ả ngoái nhìn lại về phía chiếc cổng sắt màu huyết dụ, và nơi đó, ngay dưới mặt đất, tấm thẻ của nhà văn Duy Hòa nằm chỏng chơ, lạc lõng. Một hai phút trôi qua, ả đàn bà quả quyết bước tới nhặt tấm thẻ lên, phủi bụi rồi cẩn thận nhét nó vào trong lai quần.
Xe buýt giờ cao điểm, người đông như nêm cối. Hành khách trong xe ai nấy dáng vẻ đều mệt mỏi, nhăn nhó. Xe vừa trờ tới trạm, còn chưa kịp dừng hẳn thì đã có người ở trên nhảy xuống. Người ở phía dưới trạm chờ cũng xăm xắn đứng lên dồn cả vào cửa xe. Hắn lanh lẹ len lên với cái tay cầm trên cửa xe rồi lấy sức đu mình lên chen vào bên trong xe. Những người phía sau hắn khó nhọc theo nhau bước lên từng bậc cửa. Khi người khách cuối cùng bước lên và còn đang ngó nghiêng tìm ình một chỗ ngồi, thì bỗng ở hàng ghế cuối xe có tiếng la lớn:
- Cướp! Có cướp…nó giật túi xách của tôi!...
Bóng hắn thoáng qua trước mặt mọi người và lao ra cửa xe khi đó cũng còn chưa kịp đóng lại. Người lái xe nghe tiếng hô cướp thì cũng vội đạp phanh, cả chiếc xe buýt chao đi, chúi về phía trước. Dưới tác động của pha phanh gấp nên cú nhảy của hắn không được chính xác. Một cẳng chân của hắn trượt vào cạnh mép vỉa hè làm hắn ngã giúi giụi đau điếng. Ngay lập tức hắn xoay người ngỏm dậy nhưng rồi lại đổ vật xuống nằm im ôm chân xuýt xoa. Khi mọi người từ trên xe đổ xuống đứng vây quanh thì hắn vẫn nằm nguyên tư thế đó, chiếc túi xách của người khách nọ văng ra bên cạnh. Một anh chàng cao to mặc chiếc áo thun màu ghi, giữa ngực có in hàng chữ Puma to tướng xông vào túm lấy cổ áo hắn kéo dựng lên rồi vung tay dứ dứ nắm đấm vào mặt hắn. Hắn nhăn nhăn cái mặt, miệng rên rẩm ra chiều khá đau đớn. Những tiếng la ó, chửi rủa cất lên ồn ào:
- Đánh chết nó đi! Đánh cho chừa cái thói trộm cắp đi!
- Giải nó lên công an đi! Cho nó ngồi tù mọt gông cho sáng mắt ra!
- Cần gì phải công an, cứ cho nó một chầu hội đồng cho biết lễ độ!
- …
Một cái chân của ai đó tung lên, thân hình hắn oằn lên, hai tay hắn chới với trong không khí rồi vòng xuống ôm lấy bụng, nước mắt hắn ứa ra rơi thành giọt. Người khách bị hắn giật túi xách khi đó đứng liền bên cạnh, tay đã ôm chặt lại chiếc túi ở trước ngực, chị ta nhìn thấy một vệt máu từ khóe miệng hắn tứa ra thì vội đứng chen vào giữa ngăn lại:
- Thôi tha cho nó các chú ạ, của tôi vẫn còn nguyên đây, trời cũng đã muộn, ta lên xe đi thôi!
Cùng lúc đó tiếng còi xe cũng vang lên, những tiếng nói ồn ào lắng xuống, đám đông lại rục rịch quay trở lại trong xe để tiếp tục hành trình bỏ lại mình hắn ngồi đừ đẫn trên vỉa hè. Hắn ngồi đó một lát rồi chống tay đứng dậy, chân khập khiễng lê từng bước dưới nắng trưa đi ngược về phía đầu con phố.
Quá trưa hắn mới về đến phòng trọ, đẩy cửa đi vào thì đã thấy ả đàn bà ngồi thù lù trên giường, trước mặt là một mâm cơm được đậy lại bằng cái rổ nhựa. Thấy hắn tập tễnh đi vào ả đàn bà đứng dậy thảng thốt:
- Làm sao thế? Đi đứng thế nào mà ra thế kia!
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian